Kiến thức cơ bản về Spot/ Margin/ Future/ Option

Trong 1 bài viết duy nhất này, sẽ đi sâu vào phân biệt và giải thích chi tiết các khái niệm Spot/ Margin /Future và Option để các bạn có thể nắm được ý nghĩa của các loại công cụ tài chính này.

Thị trường crypto là một thị trường tài chính rất mở và tiềm năng, vì vậy nó thu hút rất nhiều các nhà đầu tư chuyên và không chuyên. Các khái niệm Spot – giao ngay, Margin – giao dịch ký quỹ và Future – hợp đồng tương lai, Option – hợp đồng quyền chọn tưởng chừng như vốn quen thuộc với dân tài chính, tuy nhiên đối với các nhà đầu tư không chuyên, các công cụ tài chính này thực sự khiến nhiều người đau đầu. 

Trong 1 bài viết duy nhất này, sẽ đi sâu vào phân biệt và giải thích chi tiết để các bạn có thể nắm được ý nghĩa của các loại công cụ tài chính này. 

*Bài viết sẽ sử dụng sàn giao dịch Binance để minh họa cho các ví dụ, nếu bạn chưa có tài khoản Binance thì có thể đăng ký tại đây

Spot Trading

Giao dịch Spot hay còn gọi là Giao dịch giao ngay, được hiểu là các giao dịch bao gồm việc giao dịch và trao đổi hàng hóa thực tế. Đây là loại giao dịch phổ biến nhất trong các giao dịch tài chính. Mặc dù được dịch là giao ngay tuy nhiên trong 1 số thị trường đặc thù như thị trường chứng khoán, ngày thanh toán hàng hóa có thể diễn ra sau đó 2-3 ngày. 

Đối với thị trường tiền điện tử, việc giao ngay này được diễn ra gần như ngay lập tức khi khớp lệnh. Ví dụ: Bạn sử dụng 1000 USDT để mua BTC thì ngay khi khớp lệnh, bạn sẽ nhận được lượng BTC tương đương giá trị 1000 USDT  tại thời điểm khớp lệnh. Lúc này bạn đang đổi 1000 USDT để lấy 1 lượng BTC tương đương. 

Chi phí để thực hiện giao dịch Spot chỉ bao gồm phí giao dịch. Phí giao dịch thường được chia ra làm 2 loại: TakerMaker

Taker là khi bạn khớp lệnh của người khác( khi bạn sử dụng các lệnh Market, Stop Market). Nếu bạn sử dụng lệnh Limit Buy Order nhưng giá Limit cao hơn giá Market thì lệnh đó vẫn được hiểu là 1 lệnh Market, tương tự với Limit Sell Order. 

Maker là khi bạn là người đặt lệnh và được khớp lệnh bởi 1 taker khác. 

Tùy từng sàn giao dịch mà phí giao dịch dành cho Maker và Taker sẽ khác nhau. Bạn có thể tham khảo biểu phí của Biannce tại đây

Margin Trading

Trong tài chính, Margin được hiểu là thế chấp tài sản của nhà đầu tư với môi giới để đảm bảo cho các rủi ro tín dụng mà nhà đầu tư đang nắm giữ.

Nếu như ở Spot trading, bạn có 1000 USDT thì bạn chỉ có thể mua được lượng Bitcoin tương đương 1000 USDT. Nếu giá BTC tăng thì bạn có lợi nhuận, ngược lại nếu giá BTC giảm thì bạn thua lỗ, hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến các nhà môi giới ( tạm thời có thể hiểu Binance ngoài là sàn giao dịch thì cũng đóng vai trò là một môi giới).  Nếu tất cả mọi người chỉ giao dịch được số tiền mà họ có thì tính thanh khoản và khối lượng giao dịch sẽ không cao, trong khi các sàn giao dịch và môi giới nhìn chung kiếm lợi nhuận chủ yếu từ việc thu phí giao dịch của các nhà đầu tư. Vì vậy, môi giới sẽ cho phép nhà đầu tư nắm giữ và giao dịch khối lượng tài sản lớn hơn giá trị thực tế mà nhà đầu tư đó có. Tỷ lệ giữa Khối lượng nắm giữ và Giá trị ký quỹ thực tế là Tỷ lệ đòn bẩy (Leverage).

Vậy rủi ro tín dụng ở đây chính là khả năng thanh toán cho các khoản vay mà nhà đầu tư vay từ môi giới. 

Ví dụ (1)  bạn chỉ có 1000 USDT nhưng muốn mua 2000 USDT trị giá BTC. Thay vì dùng 1000 USDT đó để mua BTC, bạn sẽ thế chấp 1000 USDT đó để vay lại 2000 USDT. Sau đó dùng 2000 USDT này mua BTC. 

Khoan, thế chấp 1000 USDT để vay 2000 USDT ??? 

Chắc hẳn người mới sẽ đặt ra câu hỏi là: “thế vay 2000 USDT xong ôm tiền chạy thì sao?” Câu trả lời là việc vay này rất khác so với khái niệm vay tiêu dùng. Đơn giản vì số tiền bạn vay không thể được rút ra làm việc gì khác ngoài việc sử dụng để tiếp tục đầu tư. ( Đúng rồi, môi giới cho bạn vay để bạn sử dụng dịch vụ của họ chứ không phải để làm việc khác.) 

Tiếp tục 1 câu hỏi nữa mà khá nhiều bạn sẽ hỏi, đó là dùng 2000 USDT đó đầu tư mà thua lỗ thì mình chỉ mất 1000 USDT, còn môi giới mất 1000 USDT cho mình vay thêm thì không phải quá rủi ro hay sao? 

Môi giới sẽ không mất tiền cho dù bạn có thua lỗ. 

Trở lại với ví dụ trên, khi bạn sử dụng 1000 USDT để thế chấp, vay 2000 USDT và mua 2000 USDT trị giá BTC. Trong tài sản nắm giữ của bạn sẽ có 2000 USDT trị giá BTC ( tuy nhiên đây không phải là giá trị tài sản ròng của bạn, mà bạn phải trừ đi nợ là 1000 USDT vay thêm nữa, vì vậy tài sản ròng chỉ có 1000 USDT mà thôi.) 

Giả sử giá BTC giảm 50%, khiến cho giá trị nắm giữ của bạn chỉ còn 1000 USDT. Tức là sau khi trừ đi nợ thì giá trị ròng của bạn là 0 USDT. Nếu giá BTC tiếp tục giảm thì lúc này giá trị ròng của bạn sẽ âm. Và lúc đó nhà môi giới – là người cho bạn vay thêm 1000 USDT sẽ chịu chung lỗ với bạn. Vì vậy, nhà môi giới sẽ cưỡng chế bạn bán tài sản ( hành động này là Margin Call) tại lúc đó để thu hồi về 1000 USDT bằng với khoản nợ mà bạn đã vay. Lúc này bạn mất 1000 USDT và nhà môi giới không mất gì cả. Hoặc nếu bạn không muốn bị cưỡng chế thanh lý tài sản thì cần nạp thêm tài sản ký quỹ để đảm bảo.

Thực tế nhà môi giới không đợi đến lúc bạn lỗ hết tiền mới Margin Call bạn, vì họ còn tính trượt giá khi thanh lý ( vì khi thanh lý là thực hiện với lệnh Market luôn và ngay chứ không phải treo lệnh đợi khớp) và cả phí vay nữa. Tỷ lệ Margin Call thường rơi vào khoản 95

Qua ví dụ trên thì bạn cũng hình dung ra cách hoạt động và ý nghĩa của Đòn bẩy. Giao dịch sử dụng đòn bẩy sẽ giúp khuếch đại lợi nhuận và cả thua lỗ. Nếu bạn chỉ mua Spot thì khi giá tài sản giảm 30% bạn chỉ mất 30% giá trị thôi, khi sử dụng đòn bẩy 2X thì khi giá tài sản giảm 30% bạn sẽ mất đến 60% giá trị tài sản. Khi giá tăng thì bạn cũng đạt lợi nhuận thực tế 2X so với Spot trading. 

Đấy chỉ là một ví dụ đơn giản về việc sử dụng Margin để mua tài sản có xu hướng tăng bằng tài sản thế chấp không biến động là USDT. Trên thực tế có nhiều cách để sử dụng Margin trong nhiều điều kiện của thị trường. 

Đầu tiên hãy nói về cách thực hiện vị thế MUA và BÁN, 

Như ở ví dụ (1), khi bạn kỳ vọng giá BTC sẽ tăng trong tương lai, bạn sẽ muốn mua nhiều hơn với giá trị tài sản mình đang có( là 1000 USDT) để tối ưu lợi nhuận. 

Vậy nếu như bạn kỳ vọng giá BTC sẽ giảm, trong khi đó bạn đang nắm giữ USDT thì làm sao để tạo ra lợi nhuân. 

Cách làm sẽ là bạn thế chấp USDT để vay BTC – nên nhớ lần này bạn sẽ vay BTC chứ không vay USDT, vì gieo nhân nào gặt quả đấy, vay cái gì thì sau này phải trả bằng cái đó.  Sau đó lập tức bán BTC ra thị trường để thu về USDT. Khi giá BTC giảm xuống như kỳ vọng bạn sẽ mua lại số BTC mà đã vay. Vì lúc này giá đã giảm nên bạn sẽ cần ít USDT hơn để mua lại cùng lượng BTC đã bán bên trên.  Và lượng USDT dư ra chính là lợi nhuận của việc bán BTC. Ngược lại nếu BTC tăng thì khi mua lại, bạn cần nhiều hơn USDT để mua lại BTC nhằm trả lại cho môi giới, trong trường hợp này bạn sẽ bị lỗ. 

Thứ hai, đó là loại tài sản thế chấp

Vẫn là ví dụ (1), ở đây bạn đang sử dụng USDT là tài sản thế chấp cho giao dịch cặp BTC/USDT.  Thực tế, với nhiều cặp giao dịch bạn hoàn toàn có thể thế chấp tài sản ngoài cặp giao dịch. Ví dụ bạn có thể thế chấp ETH để vay USDT – và mua BTC/USDT.  Cái này dẫn đến 1 khái niệm là Cross MarginIsolated Margin

Cross Margin hiểu là các tài sản thế chấp này có thể được thế chấp qua lại lẫn nhau. Thế chấp ETH vay USDT nhưng dùng USDT đó để mua BTC, hoặc thế chấp ETH để vay BTC và tạo vị thế Bán BTC/USDT…  

Chỉ những tài sản nào có khả năng thanh khoản cao mới được đưa vào mục Cross Margin trên Binance, còn không thì sẽ là Isolated Margin. Tức là bạn chỉ có thể thế chấp ETH hoặc USDT, để vay ETH hoặc USDT cho cặp giao dịch ETH/USDT. 

Thứ ba, đó là Risk Ratio ( tỷ lệ rủi ro) 

Tùy thuộc vào vị thế của bạn trong từng bối cảnh thị trường  mà Tỷ lệ rủi ro sẽ thay đổi.





Tài sản thế chấp 




Tài sản vay




Vị thế 




Rủi ro thanh lý
StablecoinStablecoinMua tài sản Non-stableKhi tài sản ở vị thế Mua giảm giá
StablecoinNon-stableBán tài sản Non-stableKhi tài sản ở vị thế Bán tăng giá
StablecoinNon-stableXKhi tài sản Vay tăng giá 
Non-StableStablecoinMuaKhi tài sản ở vị thế Mua giảm giá, tài sản thế chấp giảm giá
Non-StableStablecoinXKhi tài sản thế chấp giảm giá
Non-StableNon-stableXKhi tài sản vay tăng giá nhiều hơn so với tài sản thế chấp, hoặc khi tài sản ở vị thế mua giảm giá nhiều hơn so với tài sản thế chấp
Đây là một bảng tổng hợp các trường hợp sử dụng Margin. Trường hợp 1 và 2 là trường hợp ví dụ bên trên.

Một ví dụ cho trường hợp số (4) là: Thế chấp LTC để vay USDT và dùng USDT đó để mua BTC. Trong trường hợp này nếu tốt đẹp cả giá LTC và BTC cùng tăng thì sẽ lãi nhiều, ngược lại nếu BTC giảm giá quá mạnh ( giả sử LTC không giảm giá) thì dẫn đến việc Vị thế Mua thua lỗ, khi thanh lý thì chỗ LTC thế chấp sẽ bị bán. Hoặc LTC giảm giá ( nhưng BTC không giảm giá) thì khiến cho giá trị tài sản thế chấp giảm khiến bạn sẽ phải bán bớt 1 lượng BTC nếu muốn tiếp tục duy trì vị thế. 

Vậy trường hợp Thế chấp Non-stablecoin để vay Stablecoin nhưng không Mua, không Bán thì để làm gì ?

Vì có 1 số trường hợp có thể Arbitrage lãi suất giữa các nền tảng khác nhau.

Một ví dụ đơn giản: Vay ETH bên Binance với lãi suất 8% nhưng dùng ETH để staking ở Houbi kiếm được 50% annual. Dĩ nhiên khi thực hiện Arbitrage về borrow lending cần tính thêm các rủi ro khác nhưng chủ yếu ví dụ được đưa ra minh họa cho việc vay nhưng không mua hay bán.

Người dùng sẽ cần lưu ý 2 loại chi phí khi sử dụng Margin Trading, đó là chi phí giao dịch và chi phí vay. 

Chi phí giao dịch cũng giống như khi giao dịch Spot Trading. 

Phí vay thì sẽ được tính sau mỗi giờ đồng hồ. Chi tiết tham khảo tại đây: https://www.binance.com/en/margin-fee 

Và lưu ý vay gì thì trả bằng cái đó. Nếu vay USDT thì bạn phải trả cả gốc và phí vay bằng USDT, nếu vay bằng BTC thì trả bằng BTC. 

Future Trading 

Hay còn gọi là giao dịch hợp đồng tương lai. Trên Binance có 2 loại hợp đồng là: Hợp đồng Vĩnh cửu  (Perpetual) và Hợp đồng có kỳ hạn (Delivery). Khoan bàn đến sự khác nhau giữa 2 loại này, bạn sẽ cần hiểu cách hoạt động của thị trường tương lai này trước đã. 

Bản chất Future Trading là thị trường phái sinh. ( phái sinh là cái gì thì đọc hiểu theo kiểu giải trí vui vẻ ở đây), nghĩa là bạn vẫn có lợi nhuận và thua lỗ tương đương như khi trade Spot, chỉ khác ở chỗ là bạn không sở hữu tài sản thật mà thay vào đó là các vị thế. Tài sản của bạn sẽ không có nhiều asset như bên trên mà sẽ chỉ có duy nhất 1 đơn vị là USDT ( Với sàn Binance).

Trở lại với ví dụ (1), thay vì dùng 1000 USDT mua 1000 USDT trị giá BTC, mong đợi giá BTC tăng 50% để kiếm lợi nhuận 500 USDT, thì bạn đặt cược với người khác BTC sẽ tăng 50%, với số tiền cược là 1000 USDT. Vậy làm thế nào để biết rằng bạn cược BTC sẽ tăng từ giá này? Position – vị thế trong Future trading là thứ đảm bảo điều đó. 

Khi bạn đặt cược 1000 USDT giá BTC sẽ tăng từ đây, bạn sẽ phải ký gửi số tiền cược của bạn để mở 1 vị thế Long BTC với giá trị 1000 USDT. Nếu giá BTC tăng thì giá trị vị thế của bạn tăng lên, bạn không cần thiết phải đợi BTC tăng 50% như dự đoán mới bán vị thế của mình, mà bạn có thể bán nó bất cứ lúc nào hoặc giữ nó đến bất cứ lúc nào bạn muốn thoát khỏi vị thế, vì vậy nó có tên Hợp đông Vĩnh cửu. 

Vậy bạn bán lại vị thế của mình cho ai? Chính là cho những người cược ngược lại với bạn ở thời điểm đó. 

Ví dụ: Bạn cược 1000 USDT giá BTC sẽ tăng lên từ mức 50000 USDT/ BTC, vì vậy bạn mở 1 vị thế LONG BTC với giá trị 1000 USDT, tương đương 0.02 BTC. Sau đó giá BTC tăng lên 75000 USDT một BTC, lúc này vị thế của bạn trị giá 0.02 x 75000 = 1500 USDT. Bạn muốn thoát vị thế của mình thì sẽ bán lại vị thế này cho 1 người khác cược BTC sẽ đi xuống ở mức giá 75000 USDT. Và bạn thu được lợi nhuận ròng là 500 USDT trên 1000 USDT đầu tư, cũng tương đương với mức tăng 50% của giá BTC. 

Vì thế mua bán trên Future Trading, là bạn đang mua bán những khoản cược chứ không thực sự mua bán BTC.  Cược lên thì là LONG, cược giá xuống thì SHORT. 

Bản chất các vị thế này là khoản cược nên nhà môi giới ( ở đây là Binance) có thể hoàn toàn kiểm soát các vị thế của bạn. Tức là bạn không thể đem vị thế Long của bạn ở Binance để thanh lý ở sàn FTX được, kể cả giá tham chiếu  ở 2 sàn là giống nhau. Chính vì thế mà nhà môi giới sẽ cung cấp cho bạn khả năng mở vị thế lớn hơn số tiền thực tế mà bạn có – và bạn sẽ gặp khái niệm Leverage đòn bẩy quen thuộc ở trên. 

Bạn hoàn toàn có thể chỉ cần bỏ 100 USDT cho 1 vị thế cược BTC giá xuống với giá trị 1000 USDT, sử dụng đòn bẩy 10x. Tuy nhiên nếu giá tăng 10%, tức là vị thế của bạn sai gây thua lỗ 100 USDT, vị thế của bạn sẽ được đóng lập tức để đảm bảo bạn không thể thua nhiều hơn số tiền bạn có. ( Margin Call – quen không?) 

Đối với Future Trading sẽ có 1 số vấn đề mà nhiều bạn sẽ thắc mắc là : Leverage, Cross/ Isolated Fund Funding Fee

Đầu tiên là về Leverage

Do nhà môi giới hoàn toàn kiểm soát các vị thế của bạn theo nghĩa đen nên họ có thể kiểm soát các rủi ro tốt hơn, dẫn đến việc họ có thể cung cấp mức đòn bẩy cao hơn nhiều lần so với Margin ( có thể lên tới hơn 100x.) Cung cấp khả năng giao dịch nhiều hơn tức là họ sẽ kiếm được nhiều phí giao dịch hơn. 

Mặt khác thị trường Future chỉ là một thị trường phái sinh, sử dụng các thông tin tham chiếu và giả lập của thị trường thật, nên sẽ không tránh khỏi sự thao túng trong một phạm vi hẹp, vì cơ bản mức độ thanh khoản thực tế là khác nhau. 

Giả sử bạn đang vay USDT để mua ETH ở Margin Trading, điều này cũng gần tương đương với việc bạn mở 1 vị thế Long ETH ở Future Trading, với cùng mức đòn bẩy là 3x chẳng hạn. Tuy nhiên xét tổng thể thì vị thế Long ETH ở Future Trading sẽ rủi ro hơn vì khả năng thanh khoản ở Margin Trading và Future Trading là khác nhau.

Nếu như bạn đã hơi hiểu về Margin Trading, bạn sẽ thấy cho dù bạn sử dụng Đòn bẩy nhưng bạn vẫn tham gia vào cùng 1 thị trường – thanh khoản với Spot Trading. Nếu xảy ra âm mưu thao túng giá ở Margin Trading, thì các nhà tạo lập sẽ phải đối mặt với 1 lượng thanh khoản lớn hơn, khó nắm bắt hơn. Trong trường hợp trên, cho dù phát hiện được một lượng lớn các vị thế Mua ETH sẽ bị thanh lý ở mức 2000 USDT chẳng hạn, các nhà tạo lập cũng sẽ rất mạo hiểm nếu đẩy giá ETH xuống mức đó vì: 

  • Để đẩy giá xuống mức đó bản thân họ cần có ETH, có sẵn nhiều thì không nói nhưng nếu không có mà cần đi vay thì nếu không mua lại được giá thấp hơn thì khả năng họ bị lỗ ngược
  • Họ không biết liệu họ có đẩy được mức giá chạm mức đó hay không vì không dự đoán được thị trường. Có thể xuất hiện nhiều người mua ngăn giá không giảm xuống mức đó. Trong trường hợp đó kế hoạch của họ cũng thất bại

Vì vậy những cú flash pump, dump thường ít xảy ra ở Spot/ Margin Trading. Tuy nhiên ở Future trading, khi lượng thanh khoản ít hơn (vì không phải là mua bán asset mà là đặt cược), đơn vị duy nhất sử dụng là USDT thì sẽ dễ dàng hơn để một nhà tạo lập thị trường với số vốn lớn và các thông tin về vị thế của những nhà đầu tư có thể thao túng trong một thời gian ngắn. 

Để hạn chế điều này thì các nhà môi giới thường tạo ra thêm một thông tin khác về giá đó là: Last PriceMark Price

Trong Last Price là giá khớp các giao dịch hợp đồng tại thị trường giao dịch hợp đồng tương lai trong khi Mark Price là giá tham chiếu so với thị trường Spot/ Margin.

Nói thêm 1 chút về Leverage: 

Bạn sẽ thường nhìn thấy khi mọi người share lệnh phần Leverage thường có là x125, x100.. và có thể bạn sẽ nghĩ là sử dụng đòn bẩy to như thế này thì dễ đi lắm. Thực ra mức đòn bẩy được share ở đây không có ý nghĩa lắm, vì con số đòn bẩy không phải mức Đòn bẩy thực tế.  Giống như bên trên mình có viết, tỷ lệ đòn bẩy là Giá trị nắm giữ chia cho Giá trị tài sản ký quỹ thực tế. 

Một người có fund 500$ và họ vào 1 lệnh LONG giá 1000$ thì mức đòn bẩy thực tế của họ là x2 ( nếu sử dụng cross fund), nhưng mức đòn bẩy hiển thị thì tùy thuộc vào cách họ set. 

Nếu họ để là x100 thì giá trị tiền ký quỹ chỉ là 10$ thôi, nếu để là x10 thì cần 100$ tiền ký quỹ. Nhưng về cơ bản, họ đều có mức giá Thanh lý = Giá Entry / 2 ( vì đòn bẩy thực tế là x2) 

Một tip nhỏ  khác có thể nhiều người chưa biết đó là Binance Future có 2 chế độ giao dịch One-Way ModeHedge Mode

Cái này sẽ quen thuộc với những ai đã từng giao dịch forex. Hedge mode cho phép người dùng có thể mở nhiều vị thế, thậm chí là ngược chiều nhau trong khi One way Mode sẽ gộp các vị thế lại làm một. 

Ví dụ:
Bạn LONG 1000$ giá trị BTC tại mức giá 20.000$, sau đó khi giá BTC tăng lên 30.000$ bạn tiếp tục bổ sung 1 vị thế LONG 500$ khác.
Nếu sử dụng Oneway Mode bạn sẽ giữ 1 vị thế LONG 1500$ tại mức giá trung bình là 22.499$
Trong khi nếu sử dụng Hedge Mode, bạn sẽ thấy mình có 2 hợp đồng như trên. 

Nói chung là về cơ bản 2 cách này chỉ để quản lý các vị thế một cách dễ dàng hơn, còn về cơ bản không ảnh hưởng gì đến Lợi nhuận thực tế của các giao dịch.

Cross/ Isolated Fund

Đây là 2 chế độ ký quỹ để giữ các vị thế hợp đồng.  Sử dụng chế độ Cross thì hệ thống sẽ hiểu rằng bạn dành toàn bộ số tiền có trong Tài khoản Future để bảo đảm thanh lý cho vị thế của bạn. Sử dụng Isolated tức là bạn giới hạn một phần tiền nhất định trong tài khoản để giữ một vị thế nào đó. 

Option Trading

Đây có thể coi là một trong những sản phẩm tài chính “bí ẩn” nhất đối với thị trường crypto. Mình chưa từng thấy ai hỏi về sản phẩm này cũng như tìm hiểu về nó. Tuy nhiên đây là một công cụ có nhiều chiến lược mà những người làm về tài chính không thể không biết. 

Đầu tiên hiểu cơ bản, Option (hợp đồng quyền chọn) giống như một hợp đồng bảo hiểm, cho phép bạn Mua hoặc Bán tài sản ở một mức giá cụ thể tại một thời điểm cụ thể trong tương lai mà không phụ thuộc vào giá tài sản ở thời điểm đó. Điểm mấu chốt là, bạn không có nghĩa vụ phải thực hiện quyền đó.

Có 2 loại quyền chọn là Quyền chọn mua(Call) và Quyền chọn bán (Put), và khi 1 người bán các quyền chọn trên kia, thì tương ứng phải có người mua các quyền chọn đó. Vì thế sẽ có tổng cộng 4 vị thế khi tham gia Quyền chọn. Đó là Mua – Call, Bán – Call, Mua – Put, Bán – Put. 

Trước khi đi sâu vào các sử dụng Option trên Binance hãy đi qua các khái niệm quen thuộc  của Option: Strike-Price, Breakeven-Price, Premium. 

Strike-Price hiểu đơn giản là giá thực hiện quyền chọn. 

Premium là khoản phí bảo hiểm được trả để giữ quyền chọn của bạn.
Breakeven Price hiểu là mức giá mà tại đó nếu bạn thực hiện quyền chọn của bạn, thì bạn sẽ hòa vốn. 

Bây giờ mình sẽ lấy 1 ví dụ để các bạn hình dung các khái niệm trên dễ hơn: 

Giả sử ngày 1/7 hiện tại giá BTC đang là 30.000$, người A thực hiện bán 1 quyền chọn Mua là BTC – 0207 – 30000 – C: có nghĩa là người này đang rao bán 1 cam kết rằng đến ngày 2/7 người này sẽ bán cho người sở hữu quyền chọn Mua này với giá 30.000$ (Strike Price)  bất kể thời gian đó giá BTC là bao nhiêu đi chăng nữa. Một người B đã mua quyền chọn này với khối lượng là 0.01 BTC, và người B sẽ phải trả 1 khoản phí bảo hiểm cho người A là 10$, ví dụ thế. ( Đây là Premium). 

Vậy thì đến ngày 2/7, giá BTC bao nhiêu thì người B này sẽ lãi? 

Bởi vì đến ngày 2/7, người B có thể mua 0,01 BTC với giá 30.000$ bất kể giá BTC thực tế vào hôm đó là bao nhiêu, nên đến ngày 2/7, giá BTC cứ tăng 1000$ thì người này sẽ lãi 10$. Tuy nhiên, cho dù tăng hay giảm thì người này đều phải trả 1 khoản phí Premium là 10$, nên dễ thấy rằng nếu BTC tăng lên 31.000$, người này sẽ có khoản lãi 10$ đủ để trả phí Premium – nên Breakeven-Price của Call-Option này là 31.000$. ( Khi hòa vốn thì quyền chọn ở trạng thái At the money)

Nếu BTC tăng lên 32.000$ người này có lợi nhuận 10$, lên 35.000$ thì lợi nhuận là 40$. Tăng tỉ lệ thuận với mức tăng của BTC. (Nếu quyền chọn đem lại lợi nhuận thì ở trạng thái In the money) 

Vậy nếu BTC giảm xuống 28.000$ thì sao? Người B sẽ phải mua 0,01 BTC với giá 30.000$ khi trên thực tế giá chỉ có 28.000$, vậy người B sẽ lỗ 20$ , cộng thêm 10$ phí Premium.

Câu trả lời là không. Người B vẫn chỉ lỗ 10$ thôi, vì người B không có nghĩa vụ phải thực hiện quyền mua này. Hãy nhớ rằng, người mua quyền chọn không có nghĩa vụ phải thực hiện quyền chọn đó. Họ có thể thực hiện nó khi đem lại lợi nhuận, hoặc bỏ không thực hiện khi nó không đem lại lợi nhuận.  Như thế có nghĩa là dù giá BTC có giảm xuống 10.000$ hay 5.000$ thì với giao dịch quyền chọn mua này, người B chỉ lỗ tối đa 10$ – và không thực hiện quyền chọn mình đã mua.  ( Trạng thái out the money)

Như vậy chắc là bạn đã hiểu căn bản rồi, đi vào chi tiết  thì trên Binance có 2 loại Option: American-Option và Vanilla-Option (hay còn gọi là  European-Option)

Mình sẽ đi vào giới thiệu American Option trước vì nó đơn giản. 

Loại Option này chỉ có ở app Binance trên điện thoại. 

Giao diện thì khá đơn giản, bạn có thể thấy chỉ có 3 loại lệnh: Call – Put – Vol. 

Khi bạn nhập số lượng BTC vào đây và đặt lệnh thì bạn luôn ở vị thế người Mua quyền chọn. Ở loại hình này Binance là bên duy nhất bán quyền chọn. 

Các time-frame là thời hạn tối đa để duy trì quyền chọn đó. 

Call và Put thì như ở trên đã giải thích. Bạn mua Call tức là bạn đặt cược giá sẽ tăng, mua Put thì đặt cược vào giá giảm. Thế còn Vol là gì? Khi mua Vol (viết tắt của Volatility), bạn đặt cược vào biến động giá của Tài sản. Tức là chỉ cần nó biến động đủ lớn là bạn có lãi, không cần quan tâm giá tăng hay giảm. Tại sao lại thế? 

Như giải thích bên trên, bạn có thể thấy một người mua quyền chọn – họ sẽ không bị giới hạn về kỳ vọng lợi nhuận thu được, trong khi có thua lỗ tối đa chỉ bằng khoản phí Premium. Vì vậy họ có thể thực hiện chiến lược Straddle, thực hiện đồng thời Put và Call với cùng Volume, miễn là giá biến động đủ lớn để đem lại lợi nhuận lớn hơn phí Premium của Put và Call cộng lại thì có lãi. Vì vậy nếu bet Vol thì bạn sẽ có 2 điểm breakeven-price. 

Chiến lược này được sử dụng khi bạn dự đoán sắp tới giá tài sản sẽ có biến động lớn – ví dụ ảnh hưởng bởi tin tức. 

Ngoài American Option thì Binance còn có Vanilla Option – cho phép người dùng có thể trở thành Người mua và Người bán quyền chọn, chứ không chỉ đơn thuần là người mua như American Option. Tuy nhiên mình sẽ không viết hướng dẫn vì sản phẩm này có vẻ như là một sản phẩm phái sinh không hoàn chỉnh của Binance vì không có phí Premium dành cho người bán trong trường hợp Người mua không có lợi nhuận. Điều này khá vô lý vì nếu người Mua có lợi nhuận – thì người bán gần như chắc chắn lỗ vì phải bán tài sản ở mức thấp hơn giá thị trường, hoặc mua tài sản ở giá cao hơn thị trường. 

Người bán Quyền chọn chỉ thu được lợi nhuận là phí Premium khi người mua quyền chọn không thực hiện quyền chọn của mình. 

Hơn nữa sản phẩm này có thanh khoản rất thấp nên việc tham gia cũng không đạt được lợi nhuận đáng kể, vì vậy khuyến khích mọi người không nên tham gia. 

Leverage Token

Một loại hình khác mà các sản phẩm tài chính truyền thống không có, đó là token đòn bẩy. Tuy nhiên mình đã viết 1 bài riêng giới thiệu Ý nghĩa của token Đòn bẩy trên coin68 rồi nên không viết lại nữa. Bạn có thể đọc ở đây


Bạn thấy bài viết thú vị, đừng quên chia sẻ cho bạn bè. Nếu bạn muốn trở thành 1 cư dân của thị trấn, tham gia miễn phí tại đây

Lưu ý: Không phải tất cả các sàn giao dịch tiền điện tử đều cung cấp đầy đủ các quyền hạn cho bạn và không phải tất cả đều an toàn. Mình không xác nhận cho một sàn giao dịch cụ thể nào. Bạn cần phải tự nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi gửi tiền hoặc tiền điện tử đến bất kỳ sàn giao dịch, trang web hoặc ứng dụng nào. 

Tuyên bố từ chối trách nhiệm:  Không có thông tin nào ở trên là lời khuyên đầu tư,mời gọi hay khuyến khích sử dụng các sàn giao dịch cụ thể hoặc thông tin thực tế theo bất kỳ cách nào và không nên được hiểu như vậy. Bạn đọc nên tự nghiên cứu. Nếu có bất kỳ lỗi nào xảy ra, mình sẽ cố gắng hỗ trợ trong mức cho phép. Mục đích của mình chỉ là cung cấp thông tin và truyền bá kiến ​​thức về chủ đề này

  

Default image
jūlian.eth
Articles: 24