Những lý do khiến Bitcoin không thể thành công

Có rất nhiều lý do được đưa ra để dự đoán thất bại của Bitcoin, hãy cùng phân tích những luận điểm này để xem rút cục Bitcoin có thể trở thành điều gì.

Mặc dù có nhiều luận điểm chống lại Bitcoin mà bạn có thể hàng ngày bắt gặp, nhưng đa phần các luận điểm đó không thuyết phục. Hầu hết các luận điểm chỉ trích xuất phát từ sự hiểu sai công nghệ hoặc bỏ qua các tiềm năng của Bitcoin. Bài viết này mình tổng hợp các luận điểm đó để cung cấp một bức tranh toàn cảnh hơn về các cơ hội/ rủi ro và tiềm năng của Bitcoin. 

Bitcoin là một công nghệ – và giống như những công nghệ khác, nó có thể bị tấn công theo nhiều cách.

Bitcoin có thể bị tấn công theo 3 cách chính: 

Tấn công mạng Bitcoin: Mọi người thường gọi là cuộc tấn công 51%. Giải thích đơn giản, nếu một nhóm có thể nắm giữ được sức mạnh khai thác áp đảo, họ có thể tạo ra các khối gian lận – với các giao dịch gian lận. Nếu một khối gian lận được khai thác, mọi người sử dụng Bitcoin sẽ nhận ra mạng Bitcoin không còn an toàn, dẫn đến sự sụp đổ của Bitcoin. Nhưng cuối cùng, nhóm gian lận có thể không đạt được lợi ích từ việc bán lượng Bitcoin gian lận vì khi đó không còn ai công nhận giá trị của Bitcoin. Một cuộc tấn công 51% ước tính tiêu tốn hàng chục tỷ dollar phần cứng chưa kể chi phí năng lượng để thực thi – và chi phí này sẽ càng ngày càng tăng khi mạng Bitcoin phát triển. 

Tấn công hệ sinh thái Bitcoin: Đây là cách phổ biến nhất đối với tác nhân là tổ chức và chính phủ. Các quy định có thể được đặt ra để hạn chế sự phát triển của hệ sinh thái Bitcoin, ví dụ:  

  • Hạn chế các phương thức sở hữu Bitcoin bằng cách kiểm soát hoặc không công nhận các sàn giao dịch tiền điện tử. 
  • Cấm sử dụng các thiết bị lưu trữ cá nhân – vì vậy buộc người dùng phải lưu trữ tiền điện tử ở các bên thứ 3 thuộc sự kiểm soát của họ. Các tổ chức có thể tạo ra một môi trường pháp lý hấp dẫn để thu hút người dùng sử dụng các bên trung gian thứ 3, sau khi thực hiện đàn áp khi lượng tài sản gửi ở các bên trung gian đạt mức đáng kể. 
  • Cấm việc sử dụng tiền điện thử để thanh toán bằng cách cấm người bán chấp nhận tiền điện tử dưới bất kỳ hình thức nào hoặc áp dụng thuế cao cho các giao dịch bằng tiền điện tử. 

Điều này diễn ra sẽ dẫn đến thị trường chợ đen ở cấp độ toàn cầu. Internet không có biên giới và Bitcoin và nhiều loại tiền điện tử khác đã trở thành một phương tiện trong nó. Tường lửa ở cấp độ quốc gia sẽ được thực hiện để ngăn chặn hành vi này, tuy nhiên ở thời điểm đó, quyền tự do cá nhân sẽ là mối quan tâm lớn hơn so với Bitcoin. ( Chính quyền Trung Quốc chặn quyền truy cập vào các trang web, Việt Nam chặn quyền truy cập vào Medium…) 

Tấn công giao thức mật mã của Bitcoin: Máy tính lượng tử là một mối đe dọa với ngành mật mã, tuy nhiên điều này vẫn chỉ dừng ở lý thuyết. Nếu máy tính lượng tử được tạo ra, có khả năng để bẻ khóa các hệ thống mật mã hiện đại, thì đồng nghĩa với việc tất cả các hệ thống bảo mật sẽ bị phá bỏ, các loại password về cơ bản không còn tác dụng. Điều này tạo ra mối đe dọa rộng lớn hơn với các giao thức internet nói chung, không riêng gì Bitcoin.  Mặc khác, nếu máy tính lượng tử được áp dụng rộng rãi, nó cũng có thể được ứng dụng để tăng mức độ bảo mật của blockchain nếu thay đổi các quy tắc mật mã – ví dụ tăng mức độ khó giải mã lên cấp độ của máy tính lượng tử. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng luận điểm này không khả thi ở thời điểm hiện tại hay trong tương lai gần. 

Bạn có thể thấy rằng, các cuộc tấn công quy mô này khó có thể đến từ một tổ chức, ít nhất nó phải diễn ra ở quy mô quốc giá. Khi xem xét cách mà một nhà nước tấn công bitcoin, hãy đặt nó trong bối cảnh môi trường cạnh tranh toàn cầu. 

Mọi quốc gia đều muốn gia tăng quyền lực của nước mình, cho dù là cộng sản hay tư bản. Khi một hình thức lưu trữ của cải mới được giới thiệu, các quốc gia sẽ có lựa chọn sử dụng nó để làm lợi thế mới của họ, hoặc tấn công nó để bảo vệ hệ thống hiện tại. Các quốc gia quyền lực nhất, cũng là các quốc gia có nhiều thứ để mất nhất, như Mỹ với tư cách là nguồn dự trữ toàn cầu, có khả năng cao sẽ muốn tấn công. Các quốc gia hưởng lợi là các quốc gia có tiền tệ bị loại trừ khỏi hệ thống tiền tệ quốc tế. Khi các quốc gia khác quan sát những quốc gia khác áp dụng và thu được thu được  nhiều của cải hơn so với hệ thống fiat cũ, họ có thể sẽ muốn chuyển đổi sang hệ thống này. Hiệu ứng domino sẽ diễn ra, bắt đầu từ những thanh domino nhỏ như El Salvador và chắc chắn nó sẽ không dừng lại. Khi đó Mỹ và các quốc giá có thể sẽ mất vị thể thống trị tiền tệ trên toàn thế giới và buộc phải gia nhập – hoặc mất thêm quyền lực. Tương tự với Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc có thể khiến các thợ đào ngưng hoạt động trong lãnh thổ của mình, lượng máy đào đó di chuyển sang các quốc gia khác là tất yếu. 

Sử dụng Bitcoin không an toàn vì nó dễ bị hack

Khi nói đến chuyện Hack mạng Bitcoin – điều này ám chỉ một cuộc tấn công 51%. Nhưng phần lớn người dùng khi sử dụng cụm từ hack bitcoin, thường là trong bối cảnh máy tính cá nhân của họ bị tấn công,lộ private key hoặc các thông tin cá nhân liên quan đến lưu trữ Bitcoin. Đây là rủi ro chính đối với việc lưu trữ Bitcoin trong ví nóng hoặc các sàn giao dịch. Ví Multi-sig hoặc Ví lạnh là những cách khác để bảo vệ Bitcoin của bạn. Hệ thống tài chính mới đưa ra những trách nhiệm mới dành cho những ai muốn toàn quyền quản lý tài sản của mình thay vì trao cho các bên thứ 3. 

Bitcoin có thể bị thay thế bởi các Altcoin khác

Lý do để một loại tiền điện tử khác tốt hơn Bitcoin là chúng có chức năng tốt hơn. Các altcoin thường được tuyên bố là nhanh hơn, bảo mật hơn, riêng tư hơn. Hãy hiểu rằng có sự đánh đổi giữa Bảo mật và Chức năng. Bitcoin được xây dựng đơn giản với chức năng hạn chế là có mục đích.

Tăng chức năng của Bitcoin sẽ làm tăng nguy cơ bảo mật. Một bài toán càng phức tạp, thì người ta càng khó phát hiện kết quả sai đến từ lời giải phức tạp. Bitcoin được xây dựng trên ngôn ngữ lập trình không thể thực hiện các phép tính lặp, để chặn các phần mềm tính toán lặp đi lặp lại tạo ra nguy cơ tấn công DDOS – làm quá tải mạng có chủ đích. 

Cộng đồng các nhà phát triển Bitcoin gần như thống nhất rằng bảo mật là ưu tiên số 1 để tạo ra một loại tiền phi tập trung. 

Bitcoin có thể tồn tại được hơn 12 năm là nhờ sự đơn giản của nó. Sự đơn giản của Bitcoin đòi hỏi phải có các các hệ sinh thái lớp 2 để mở rộng tính ứng dụng của Bitcoin. Mặc dù điều này khiến quá trình phát triển tốn thời gian hơn nhưng bền vững hơn về lâu dài. Hệ sinh thái lớp 2 của Bitcoin có thể được phát triển, thất bại mà không ảnh hưởng đến mạng lưới Bitcoin cơ bản. 

Các altcoin ngày nay đa phần được phát triển bởi đội ngũ tập trung, vì thế họ có thể thử nghiệm nhiều nhất có thể – liên tục thay đổi và cập nhật khi các giao thức của họ có vấn đề, tuy nhiên một khi giao thức sụp đổ, rất khó để người dùng có niềm tin trở lại. Và điều này hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến Bitcoin.

Bitcoin quá biến động để trở thành một tài sản

Luận điểm này hợp lý. Hầu hết mọi người không muốn mua một tài sản dễ bay hơi. Bitcoin vẫn còn trong giai đoạn sơ khai với giá trị thị trường khoảng 1 nghìn tỷ dollar. Khi giá trị thị trường tăng lên thì nó sẽ ít biến động hơn. Các tổ chức e dè khi đầu tư vào Bitcoin vì tính thanh khoản thấp, nhưng khi giá Bitcoin tăng lên, thì giá trị thị trường tăng lên kèm theo khả năng thanh khoản tăng, nhờ đó thu hút thêm nhiều tổ chức đầu tư tham gia ở quy mô lớn. Đây là vòng lặp tích cực cho Bitcoin , nó cũng giải thích tại sao các tổ chức lớn không tham gia mua Bitcoin khi giá của nó dưới 10k$ mà chỉ tham gia khi nó đạt mức trên 20k$. 

Về dài hạn, chúng ta có thể thấy sự biến động của Bitcoin giảm dần khi quy mô vốn hóa của Bitcoin tăng lên. 

Bitcoin chậm vì thế nó không tiện dụng để trở thành phương tiện thanh toán.

Hiện tại, Bitcoin có thể không phù hợp để trở thành phương tiện thanh toán, vì chậm hay vì biến động, nhưng chắc chắn nó là phương tiện lưu trữ giá trị lâu dài tốt nhất hiện nay. 

Và vì Bitcoin là phương tiện lưu trữ giá trị, một hệ thống thanh toán có thể được xây dựng dựa trên Bitcoin. Tương tự như tiền giấy, lúc đầu vốn là hệ thống thanh toán được hỗ trợ giá trị bởi Vàng. Một bên thứ 3 đủ uy tín hoàn toàn có thể phát hành các “IOU” của họ dựa trên Bitcoin. Ví dụ 0xBTC được phát hành trên Polygon có khả năng giao dịch với tốc độ của mạng Polygon tuy nhiên vẫn giữ giá trị  một 0xBTC bằng một Bitcoin.

Bitcoin bị thao túng bởi các nhóm tập trung

Để xem xét liệu Bitcoin có bị thao túng bởi các nhóm tập trung không, hãy xem xét ở các nhóm cộng đồng sau: 

Những nhà phát triển: Các nhà phát triển có quyền truy cập và làm việc song song với nhau để cập nhật Bitcoin. Quá trình này đã diễn ra trong hơn 12 năm mà không có dấu hiệu tập trung hóa. 

Những nhà đầu tư: Thị trường lo ngại một nhóm nhỏ hiện đang sở hữu phần lớn nguồn cung Bitcoin. Rủi ro tiềm ẩn là tất cả họ hợp tác để bán Bitcoin – khiến nó mất giá trầm trọng. Cách hợp tác của nhóm này vẫn là một ẩn số – tuy nhiên lịch sử đã chứng minh nắm giữ Bitcoin có vẻ là chiến lược được sử dụng bởi các nhóm này. Bổ sung thêm phần lớn nguồn cung được nắm giữ tại các địa chỉ ban đầu ( như địa chỉ của Satoshi) chưa bao giờ được di chuyển. Vì vậy không loại trừ giả thuyết rằng lượng lớn Bitcoin này không thể được giao dịch vì lý do mất khóa. 

Người khai thác: Mặc dù trước đây, các nhóm thợ đào tập trung chủ yếu ở Trung Quốc. Dần dần đã xuất hiện thêm các nhóm thợ đào khác trên toàn thế giới. Xu hướng phi tập trung hóa tiếp tục khi Trung Quốc cấm các thợ đào trên lãnh thổ của họ. 

Nhà cung ứng phần cứng: Liệu các công ty cung cấp phần cứng/ dịch vụ có thể thông đồng và ngừng sản xuất và bán các thiết bị đào Bitcoin/ tiền điện tử? 

Chỉ có 6% node sử dụng dịch vụ kết nối của Amazon. Việc chặn bitcoin từ việc dừng cung cấp phần cứng là không khả thi vì lợi nhuận do nó đem lại, ngay cả khi Bitcoin chỉ có thể được khai thác bằng các phần cứng chuyên biệt như hiện nay. 

Bất bình đẳng khi có 1 nhóm nhỏ sở hữu Bitcoin và trở nên siêu giàu mà không làm gì cả. 

Đây là một luận điểm chính đáng mà không có phản biện rõ ràng. Ước tính cho thấy hiện tại có 2% tài khoản Bitcoin sở hữu 95% nguồn cung.

Bitcoin dễ dàng bị mất trong quá trình sử dụng

Đây là một lý do chính đáng. Nhưng chỉ xảy ra khi: 

Bạn làm mất Private Key: Nếu bạn làm mất Private Key, bạn không thể sử dụng Bitcoin của mình. Nhưng cũng có thể có các dịch vụ chuyên nghiệp được tạo ra để giảm khả năng điều này xảy ra. Nếu như bạn đánh đổi quyền kiểm soát 100% tài sản của mình để lấy sự đảm bảo khi sử dụng. 

Bạn gửi Bitcoin đến sai địa chỉ: Trong hệ  thống Bitcoin, bạn là người quyết toán cuối cùng, khi bạn đã xác nhận, các giao dịch không thể đảo ngược. Đây là cái giá cho việc sử dụng một hệ thống phi tập trung. 

Khoan, nếu bạn sử dụng Bitcoin thông qua các bên thứ 3, không phải điều đó đưa chúng ta trở lại vấn đề của hệ thống fiat hay sao? 

Thực ra một kịch bản tươi sáng nhất cho Bitcoin là nó sẽ trở thành lớp tiền tệ cơ bản của hệ thống tài chính mới – Bản vị Bitcoin thay vì Bản vị vàng. Bởi vì nguồn cung Bitcoin không thay đổi do đó nó cung cấp khả năng tích lũy tài sản tốt hơn khi so với Vàng và USD. Hơn nữa, về mặt minh bạch, Bitcoin tốt hơn Vàng vì khi đó mọi người có thể theo dõi được tỷ lệ dự trữ Bitcoin thực tế của các bên trung gian. 

Khai thác Bitcoin có hại cho môi trường

Chi phí và năng lượng Bitcoin sẽ tăng dần khi càng có nhiều người tham gia vào mạng hơn. Điều này đúng. 

Có nhiều cách để tạo ra năng lượng, từ việc khai thác chất đốt như than, dầu khí hay các loại năng lượng tái tạo như mặt trời, thủy điện, gió. Vấn đề của các nhà năng lượng học là tìm cách bảo toàn năng lượng tại nơi nó được sinh ra. Năng lượng xuất hiện ở bất cứ đâu, có rất nhiều nguồn năng lượng dư thừa vì chúng ta không có nhu cầu sử dụng ( ví dụ như núi lửa, sa mạc…). Tận dụng được các nguồn năng lượng này cho việc duy trì hệ thống khai thác Bitcoin, bài toán được giải quyết. 

Trung Quốc là nguồn khai thác Bitcoin chính vì Trung Quốc có nhiều nhà máy thủy điện lớn ở các vùng núi. Các nhà máy này có nguồn năng lượng dư thừa nhiều mà không phải lúc nào cũng sử dụng hết vì lý do kinh tế khi vận chuyển. Vì vậy, các nhà máy khai thác Bitcoin được xây dựng gần đó để tận dụng nguồn năng lượng dư thừa này. Có thể trong tương lai, các cơ sở sản xuất năng lượng sẽ có các hoạt động khai thác Bitcoin như một phần trong mô hình kinh doanh vì xét theo mặt kinh tế, nó tương đương với việc tích trữ năng lượng dư thừa. 

Tóm lại, việc khai thác Bitcoin hiện tại phần lớn tiêu thụ năng lượng dư thừa chứ không đòi hỏi nhiều năng lượng hơn để sản xuất nó. Người ta xây nhà máy khai thác Bitcoin gần nhà máy điện, chứ không có nhà máy điện nào được xây để phục vụ cho việc khai thác Bitcoin. 

Một luận điểm khác đang chú ý là, mức tiêu thụ năng lượng của Bitcoin trên thực tế ít hơn năng lượng cần thiết để cung cấp cho hệ thống tài chính hiện tại, bao gồm năng lượng để vận hành hệ thống lưu trữ cũng như các chi phí vận hành bằng con người. 

Bitcoin là thiểu phát (Disinflation) và điều này gây hại cho nền kinh tế.

Bitcoin có tính thiểu phát vì nguồn cung của nó vẫn tăng nhưng với tốc độ giảm dần. Lạm phát và giảm phát đề cập đến hướng dịch chuyển của giá cả, thiểu phát đề cập đến tốc độ thay đổi của tỷ lệ lạm phát. Và cần hiểu rõ lạm phát của Bitcoin là sự tăng lên về số lượng, trong khi lạm phát của USD vừa là sự tăng lên của số lượng tiền(Money Inflation)  kèm theo đó là mất sức mua của tiền (Price Inflation) 

Hệ thống tiền tệ hiện tại khuyến khích mọi người tiêu dùng quá mức và khuyến khích đầu tư – vì hoạt động tiết kiệm không hiệu quả về mặt kinh tế. Lạm phát là sự đánh mất sức mua của đồng tiền, và vì tốc độ lạm phát thực tế cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng, vì vậy hệ thống này đang trừng phạt những người cố gắng tiết kiệm tiền của họ. 

Ai học kinh tế học đều quá quen thuộc với khái niệm chu kỳ kinh tế. Nếu chưa biết bạn có thể xem giải thích ở video này. Một vòng xoáy vay tin  – tiêu – dẫn đến tăng trưởng quá mức – vỡ nợ là điều diễn ra trong nhiều năm qua. 

Nếu thay đổi hệ thống tiền tệ sang Bitcoin, thì điều ngược lại sẽ xảy ra. Mọi người sẽ tiết kiệm Bitcoin thay vì tiêu xài nó hay đầu tư vào các loại hình khác. Điều này sẽ thay đổi cấu trúc hành vi của người tiêu dùng và thay đổi cấu trúc nền kinh tế. Mọi người chi tiêu ít hơn, đầu tư ít hơn và tiết kiệm nhiều hơn.

Khi mọi người tiết kiệm nhiều hơn thì xảy ra hiện tượng tích lũy vốn ở cấp độ cá nhân, giảm vốn tích lũy ở các thể chế, tổ chức. Mọi người nhìn chung trở nên giàu có hơn, ít các công ty cho vay để cung cấp hàng hóa và dịch vụ không cần thiết. 

Điều này chưa từng xảy ra và cũng không có nhiều tài liệu để tìm hiểu nen tạm thời chưa thể biết rằng liệu Bitcoin có gây tổn hại lớn đến nền kinh tế khi nó được áp dụng rộng rãi hay không. 

Bitcoin được sử dụng để rửa tiền và thanh toán cho hoạt động phạm pháp

Bitcoin có thể được sử dụng để rửa tiền – tương tự như tiền mặt. Không sử dụng Bitcoin vì nó được sử dụng trong các giao dịch phi pháp, giống như bạn từ chối sử dụng tiền mặt vì lí do tương tự. 

Thậm chí, Bitcoin không hoàn toàn ẩn danh như tiền mặt, vì hệ thống mạng Bitcoin sử dụng bút danh. Mọi thứ đều công khai trên Blockchain. 

Ở khía cạnh khác, khi xem xét kỹ lập luận này, chúng ta càng có lý do để sử dụng Bitcoin. Theo nghiên cứu của Chainanalysis – chỉ có 2% giao dịch Bitcoin được sử dụng cho các hoạt động bất hợp pháp. Những công ty mới phân tích blockchain cho chính phủ như Chainanalysis là các tổ chức tuyệt vời để ngăn chặn rửa tiền thông qua Bitcoin – trong khi khó mà làm điều đó khi giới tội phạm sử dụng tiền mặt,

Giá bitcoin quá cao và nó là bong bóng.

Vốn hóa của Bitcoin đang là 639 tỷ dollar. Vốn hóa của vàng là hơn 11 nghìn tỷ dollar, dự trữ ngoại hối là 12 nghìn tỷ dollar. Đó chỉ là quy mô của 2 tài sản ở cấp độ dự trữ.  Nếu Bitcoin có thể trở thành tài sản dự trữ toàn cầu, con số đó sẽ lớn hơn rất nhiều. Bitcoin đang vẫn rất nhỏ so với đích đến của nó.

Bitcoin không được hỗ trợ bởi bất cứ thứ gì

Hãy đọc bài viết này trước, bạn sẽ thấy, để một hàng hóa trở thành tiền tệ, nó cần có các đặc tính tiền tệ – do đó sẽ trở thành tiền tự nhiên. Chính vì có những đặc tính như vậy, mà tiền tự nhiên bản thân nó được hỗ trợ dựa trên các thuộc tính vốn có của nó. Giống như vàng. Tiền fiat, đồng dollar Mỹ không có những đặc tính này, đó là lý do tại sao nó cần được hỗ trợ bởi “vàng”. Sau khi chế độ bản vị vàng bị bãi bỏ vào năm 1971, đồng dollar giờ dây được hỗ trợ bởi “niềm tin về nền kinh tế” của chính phủ Mỹ. 

Bitcoin không phải hữu hình vì thế nó vô giá trị

Để có giá trị, một thứ hàng hóa không cần phải tồn tại dưới dạng vật chất. Phần lớn giá trị ngày nay được tạo ra ở dạng kỹ thuật số thuần túy. Những thứ vô hình nhưng có thể tạo ra kết quả hữu hình. 

Bitcoin là công nghệ lỗi thời và không thể mở rộng

Bitcoin hoàn toàn có thể mở rộng và đang được mở rộng bởi các công nghệ hỗ trợ khác. Chỉ là điều này được thực hiện một cách thận trọng. Các bản nâng cấp Lightning Network, Taproot đã đem đến khả năng sử dụng Bitcoin nhanh hơn so với trước kia. Hiện tại chưa thể so sánh với các hệ thống thanh toán như VISA, nhưng ít nhất chuyển Bitcoin nhanh hơn việc chuyển tiền xuyên quốc gia thông qua các ngân hàng.

Kết:

Tập trung hóa tiền tệ là khởi đầu cho hệ thống ngân hàng của loài người. Những thất bại do quá trình sản xuất tiền tệ được không được sửa chữa thậm còn được bổ sung bằng các cơ chế tập trung hơn nữa là các ngân hàng trung ương. 

Bitcoin là kết quả của 40 năm thử nghiệm và thất bại trong lĩnh vực tiền điện tử. Bản chất phi tập trung của Bitcoin cho phép nó có khả năng tự phục hồi dựa trên quy luật cơ bản về cung cầu – hơn nữa các quy tắc của nó không thay đổi bất thường dựa trên quyết định của số ít cá nhân. Bitcoin có tiềm năng để trở thành lớp tài sản cơ bản mới mở ra kỷ nguyên về tự do cá nhân mới. Nếu điều đó xảy ra, phần thưởng bạn nhận được là không tưởng khi so sánh với rủi ro mà nó đem lại.

Hãy coi Bitcoin là một công nghệ tiết kiệm dài hạn và bạn sẽ không còn bị căng thẳng khi cố gắng tích lũy tài sản của mình.

Tham khảo: Eric Yakes

Default image
jūlian.eth
Articles: 24
https://www.pixelhere.com/et/event.php?advertiser=212168&cid=INSERT_CLICK_ID&id=645772&udid=UDID&variable=INSERT_USER_ID_OR_EMAIL_HERE&value=INSERT_PRICE_VALUE&tid=UNIQUE_TRANSACTION_ID

Physical Address

304 North Cardinal St.
Dorchester Center, MA 02124